Cho trẻ làm quen với các loại màn hình công nghệ quá sớm có thể gây nhiều hậu quả về sức khỏe.

Trong nghiên cứu vừa công bố hồi cuối tháng 11, Nghiệp đoàn Thực phẩm cho trẻ em Pháp (SFAE) đặc biệt cảnh báo việc phụ huynh cho trẻ dưới 3 tuổi ăn lúc xem truyền hình hoặc chơi với máy tính.
Chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa Alain Bocquet giải thích trên Đài truyền hình TF1: “Khi ăn trước truyền hình, bé rất dễ ăn nhiều hơn nhu cầu cơ thể do nhai nuốt một cách máy móc, không thưởng thức cũng như không ý thức được đã ăn bao nhiêu. Mọi sự chú ý đã dành cho những gì đang phát trên màn ảnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy vừa ăn vừa xem truyền hình có thể làm trẻ nạp lượng calorie cao hơn đến 20% so với bình thường. Về lâu dài, thói quen này dễ làm trẻ bị thừa cân, béo phì. Chưa kể, để trẻ dưới 3 tuổi vừa ăn vừa xem truyền hình sẽ phá hỏng bữa ăn gia đình, vốn là “thời gian vàng” để trẻ giao tiếp và học hỏi nhiều điều từ người lớn”. Ông Bocquet nhấn mạnh, không chỉ trong giờ ăn, nhìn chung, cha mẹ không nên cho trẻ dưới 3 tuổi tiếp xúc với các loại đồ chơi công nghệ vì sẽ làm trẻ quen sống thụ động.
Cùng quan điểm đó, chuyên gia tâm lý trẻ em Serge Tisseron nhận định với báoL’Express: “Trước 3 tuổi, truyền hình thật sự làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của trẻ. Ở độ tuổi này, thói quen dán mắt vào màn hình sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý và hệ thần kinh, vốn đang còn trong giai đoạn hoàn thiện. Chẳng hạn, trẻ có thể không phát triển tối đa khả năng vận động hoặc không có khả năng phân tích các hình ảnh xung quanh. Với trẻ dưới 3 tuổi, phụ huynh nên “kích thích” tâm lý và hệ thần kinh của trẻ bằng cách dành thời gian chơi với con, mua cho con những loại đồ chơi giúp phát huy các giác quan”. Tại Pháp, luật chỉ cho phép thực hiện chương trình truyền hình cho trẻ em trên 3 tuổi.
Chuyên gia Tisseron cho biết trẻ từ 3 – 5 tuổi có thể xem truyền hình tối đa 1 giờ/ngày. Điều này giúp kích thích sự tò mò của trẻ, với điều kiện cha mẹ phải lựa chọn chương trình phù hợp. Từ 6 tuổi trở lên trẻ mới được chơi trò chơi điện tử. Từ 8 tuổi, bạn có thể để trẻ xem chương trình thời sự vì trẻ bắt đầu hiểu và phân tích được những sự việc diễn ra xung quanh. Cần lưu ý là về mặt sức khỏe, dù ở độ tuổi nào, việc trẻ em quá “gắn bó” với màn hình truyền hình, máy tính… đều không tốt, trước tiên là về thị giác.
Nghiên cứu trên 1.500 trẻ em 6 – 7 tuổi của các nhà khoa học thuộc Đại học Sydney (Úc) đăng trên chuyên san Journal of American Heart Association cho thấy những đứa trẻ nào xem truyền hình nhiều (trung bình 2 giờ/ngày) thường trở nên lười vận động và có nguy cơ bị các bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 cao hơn. Bên cạnh đó, khi chỉ biết ngồi/nằm một chỗ để giải trí với phim ảnh, trò chơi điện tử, hệ cơ xương khớp của các em không được rèn luyện nên rất yếu ớt. Tệ hơn, nhiều ba mẹ chiều con mua đủ loại quà bánh để sẵn. Ăn nhiều, ít vận động, tình trạng tăng và thừa cân là không thể tránh khỏi.
Theo TNO

Gia sư tại Huế