Những ngày này đang họp phụ huynh cuối học kỳ I. Ở các trường phổ thông tại VN, cuộc họp phụ huynh thường là họp tập trung cả lớp cùng một lúc. Thành tích, khuyết điểm đưa ra đấu tố công khai, 40, 50 phụ huynh ai cũng nghe trọn vẹn đứa nào làm gì, như thế nào, “con nhà người ta” điểm chác bao nhiêu. Ai sẽ hạng gì? Ai sẽ đứng ở trên và ai bị xếp ở dưới, Ai sẽ được vinh danh và đứa nào sẽ không biết trốn đi đâu….Hồi hộp, căng thẳng, lo lắng.

trung-tâm-gia-sư-huế-diep-khuc-bat-hu-con-nha-nguoi-ta-cua-cac-ba-me

Thế nên các trung tâm gia sư nắm trúng tâm lý, ngày họp phụ huynh là tung tiền thuê người đứng chờ ngay ngoài cổng trường, xe phụ huynh đi qua là giúi tờ rơi vào tay, hoặc bỏ ngay vào giỏ xe, giắt vào đuôi xe. Có cầu là có cung, họ thính lắm!

“Ba mẹ đã làm việc không ngừng một phút nào để cho con bằng bè bằng bạn, không thua kém người ta. Nên con cũng phải học không thua kém “con nhà người ta” chứ!”

Tôi chắc rằng, người cao nhất VN, to nhất VN, đáng sợ nhất VN, nhiều kẻ thù nhất VN… là thằng “con nhà người ta”.

Rồi nữa, đã hết đâu, “Bằng tuổi con bây giờ, ngày xưa mẹ đã phải đi làm đồng/đi bán hàng/ đi kiếm tiền/ đi lao động… (nói chung là ngoan). Bằng tuổi con ngày xưa mẹ không có bao giờ cãi bà/ mẹ nghe lời ông/ mẹ học giỏi… (nói chung là cũng ngoan), Bằng tuổi con ngày xưa ba đâu có được dùng điện thoại/ đâu có được xem ti vi/ không được ăn gà rán/ nhưng vẫn lao động và học tập rất giỏi… (nói chung là vô cùng ngoan)

Mệt hết cả người!
Có đứa vì mẹ suốt ngày mang 1 đứa bạn học giỏi ra so sánh, thế nên nó đã xé bài cuả bạn, lừa bạn ra đáp số sai để bạn không khá hơn nó. Có đứa con bực mình cãi lại: “Bằng tuổi ba bây giờ thì ông Obama đã là tổng thống nước Mỹ rồi đó ạ!”.

So sánh với cái ngày xưa cuả ba mẹ, hay với “con nhà người ta” vừa hạ thấp những cố gắng của nó, hạ thấp nhân cách của nó, vừa làm ba mẹ trở thành đối thủ bên kia chiến tuyến. Ngày xưa thì nêu gương là 1 trong 4 phương pháp quan trọng của dạy học, nhưng giờ thì bỏ rồi. Không so sánh nữa. So sánh với người khác không làm trẻ tự tin lên, cũng không làm quyết tâm hơn, chỉ tạo thành tính ganh đua, cạnh tranh, mà cái này không hề tốt cho đạo đức và tính cách sau này.

Tôi nhớ ngày xưa, mỗi khi đọc báo, nghe đài về các tấm gương, các thủ khoa, (nhiều bạn còn nhà nghèo vượt khó học giỏi nữa chứ!) là bố tôi lại: “Đó, con nhà người ta thế chứ. Còn con nhà mình thì… “. Rồi thở dài đánh sượt một cái 

Hôm rồi tôi phản đối 1 chị bạn về việc so sánh con. Chị bảo, thì có sao đâu, nói cho nó cố gắng. Tôi hỏi: thế giờ anh nhà bảo: Vợ hàng xóm thì eo thon thế, nấu ăn ngon thế… chị thấy có sao ko? Rồi các anh, khi vợ nhắc: chồng người ta thì mua xe Audi cho vợ kìa… anh thấy có sao không? Hic hic hic…

Mọi so sánh đều là khập khiễng! Mỗi đứa trẻ là một cá thể. Mỗi đứa trẻ có điểm khởi đầu khác nhau, hoàn cảnh gia đình khác nhau, có cha mẹ khác nhau, có bộ gien khác nhau, có phúc phần khác nhau, làm sao có thể so sánh được?
Hàng trăm chỗ lệch, so làm sao đươc mà so chứ?

Vậy nên, cuối cùng thì, bảng xếp hạng quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm, đó là bảng xếp hạng cuả bản thân con mình với chính nó. Con mình là ai, ở đâu? Nó thích cái gì, nó giỏi cái gì, nó kém cái gì, nó có hài lòng không? Nó có chiến lược nào riêng không? Chỉ so nó với chính nó ngày hôm qua, hoặc so với tương lai, kiểu như muốn ngày sau làm bác sỹ thì con còn thiếu cái ABC này…”, so với ước mơ của con thì con đang đứng ở đoạn nào…

Trung tâm gia sư Huế